Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu cần có những giải pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức thực hiện và không ảnh hưởng tới việc thông quan hàng hóa, nhất là thời điểm cuối năm lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thường tăng đột biến.
Bộ Y tế – Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã có đề nghị các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19 (đặc biệt là thực phẩm đông lạnh).
Tại Hải Phòng, địa bàn có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất miền Bắc và cũng là địa bàn nhập khẩu nhiều thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm đông lạnh, cũng đã có chỉ đạo liên quan đến việc lấy mẫu trên bao bì thực phẩm nhập khẩu để xét nghiệm.Đáng chú ý, Bộ Y tế đề nghị thực hiện lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các thực phẩm và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19).
Cụ thể, ngày 26/11, UBND TP Hải Phòng có công văn 7520/UBND- VX về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể, theo các văn bản pháp luật chuyên ngành về kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm thì việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chuyên ngành do cơ quan chuyên ngành thực hiện. Tuy nhiên tại công văn số 7520/UBND-VX, UBND TP Hải Phòng giao Cục Hải quan Hải Phòng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Y tế thực hiện lấy mẫu trên bao bì.
“Vậy, cơ quan nào trực tiếp thực hiện lấy mẫu và việc lấy mẫu có thực hiện đối với tất cả các quốc gia và tất cả hàng hóa là thực phẩm nhập khẩu hay không? (hiện chưa có danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh Covid-19 cũng như danh sách hàng hóa phải thực hiện lấy mẫu); phương pháp, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn không lây truyền dịch bệnh?”- đại diện Cục Hải quan Hải Phòng đặt câu hỏi.
Trước vướng mắc trên, Cục Hải quan Hải Phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế Hải Phòng. Tuy nhiên, đến ngày 14/12, Cục Hải quan Hải Phòng chưa nhận được văn bản trả lời của Sở Y tế.
Một số băn khoăn khác được được chúng tôi ghi nhận là vấn đề đảm bảo an toàn phòng dịch cho công chức khi lấy mẫu; thời gian chờ kết quả xét nghiệm bao lâu, quá trình chờ kết quả để thông quan với hàng hóa được lưu giữ như thế nào…?
Những vấn đề thực tiễn được đặt ra tại Hải Phòng là hết sức đáng lưu tâm, bởi lưu lượng hàng hóa liên quan đến thực phẩm nhập khẩu tại địa bàn này là không hề nhỏ. Dù chưa có những thông số cụ thể cho những lô hàng phải lấy mẫu để xét nghiệm nhưng dựa vào dữ liệu hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cũng nói lên phần nào khối lượng hàng hóa hết sức lớn này.
Trong một báo cáo mới nhất của Cục Hải quan Hải Phòng cho thấy, trong tháng 10 có hơn 5.500 tờ khai phải thực hiện kiểm dịch (kiểm dịch động vật và thực vật) và kiểm tra an toàn thực phẩm. Nếu tính chung trong 10 tháng đầu năm, số lượng này lên đến gần 58.000 tờ khai.
Vấn đề kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và phòng, chống dịch bệnh nói chung là việc làm hết sức cần thiết. Nhưng để việc lấy mẫu xét nghiệm
Covid-19 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu cần có những giải pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức thực hiện và không ảnh hưởng tới việc thông quan hàng hóa, nhất là thời điểm cuối năm lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thường tăng đột biến.
(nguồn: Báo Hải quan)