Quyền XK, NK của doanh nghiệp chế xuất
Công ty TNHH Đà Nẵng Telala là Doanh nghiệp chế xuất, hoạt động trong lĩnh vực Sản xuất và/hoặc gia công băng cuộn, dây dẫn dạng vòng;
– Sản xuất và/hoặc gia công ruy băng, dây treo/dây đeo;
– Sản xuất và/hoặc gia công dây rút, móc cài, khoen, ren, nẹp áo;- Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán dây băng cuộn, dây dẫn dạng vòng, dây băng, dây cuộn, móc cài, khoen, ren, được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 322043000182 ngày 18 tháng 01 năm 2011do Ban quản lý các KCN Đà Nẵng Địa chỉ: Đường số 9, KCN Hoà Khánh Liên Chiểu Đà Nẵng. MST: 0401410074
Hiện nay, công ty chúng tôi có khách hàng là Doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam, nên chúng tối muốn xuất khẩu sản phẩm vào nội địa. Các nội dung DN cần hỏi như sau:
1. Công ty chúng tôi có được bán (xuất khẩu) sản phẩm cho Doanh nghiệp nội địa hay không?
2. Nếu được, công ty chúng tôi cần chuẩn bị các chứng từ gì, có phải nộp các loại thuế XNK và VAT hay không?
3. Doanh nghiệp nội địa khi mua hàng của công ty chúng tôi cần làm các thủ tục gì? Các khoản thuế mà doanh nghiệp nội địa phải nộp.
4. Trường hợp công ty nhập khẩu nguyên liệu từ nội địa rồi sản xuất sau đó bán vào thì trường nội đia, Vậy các khoản thuế mà công ty Telala, công ty B phải chịu là gì?
Trả lời vướng mắc:
– Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 3; khoản 1 Điều 6 và khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
– Căn cứ điều 77 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 53 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018) của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 77. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối của DNCX
1. DNCX được thực hiện mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ phải thực hiện hạch toán riêng, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất; phải bố trí khu vực riêng để lưu giữ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu theo quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối.
2. DNCX chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với việc thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của pháp luật. Các ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế và các ưu đãi tài chính khác áp dụng đối với việc sản xuất để xuất khẩu của DNCX không áp dụng đối với hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của DNCX.
3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này. Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm việc thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của DNCX như sau:
a) DNCX phải khai tại ô “Số giấy phép” trên tờ khai hải quan điện tử thông tin số văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu;
b) Hàng hóa đã nhập khẩu theo quyền nhập khẩu của DNCX:
b.1) Khi bán cho doanh nghiệp nội địa không phải làm thủ tục hải quan;
b.2) Khi bán cho DNCX khác hoặc bán cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì áp dụng thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 86 Thông tư này.
c) Thủ tục hải quan đối với hàng hóa của DNCX thực hiện quyền xuất khẩu:
c.1) Hàng hóa mua từ nội địa để xuất khẩu, khi mua từ doanh nghiệp nội địa không phải làm thủ tục hải quan, khi xuất khẩu làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu kinh doanh;
c.2) Hàng hóa mua từ DNCX khác để xuất khẩu, khi mua từ DNCX thực hiện thủ tục như doanh nghiệp nội địa mua hàng hóa của DNCX, khi xuất khẩu làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu kinh doanh; thực hiện kê khai, tính thuế (nếu có).
– Căn cứ Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016
“Điều 2. Đối tượng chịu thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.”
Nguồn: CỤC HẢI QUAN TỈNH ĐỒNG NAI