Những hồ sơ cần chuẩn bị phục vụ kiểm tra sau thông quan

Những hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ để cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan bao gồm:

1. Bảng kê tổng hợp danh sách tờ khai hải quan phát sinh trong khoảng thời gian kiểm tra theo tiêu chí từng loại hình: Số thứ tự, số tờ khai, ngày tờ khai, tên loại hình, nơi mở tờ khai (Sắp xếp theo từng loại hình và ngày đăng kí)

2. Toàn bộ hồ sơ gốc các tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu trong bảng kê nêu trên: Hợp đồng, tờ khai hải quan, invoice, packing list, vận đơn, CO, chứng từ thanh toán và các chứng từ tài liệu liên quan khác nếu có.

3. Bảng danh sách chi tiết tờ khai theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu phát sinh trong khoảng thời gian kiểm tra theo tiêu chí từng loại hình: Số thứ tự, số tờ khai, ngày tờ khai, tên loại hình, mã nguyên liệu/ sản phẩm, mã HS, tên hàng, số lượng, đơn giá, trị giá, số hợp đồng gia công, ngày hợp đồng gia công

4. Bảng kê danh sách tờ khai hủy, tờ khai trùng

5. Bảng kê chi tiết tờ khai loại hình tái xuất trả nguyên vật liệu

6. Định mức sản xuất hàng gia công, sản xuất xuất khẩu trong giai đoạn kiểm tra.
Báo cáo quy trình xây dựng định mức khai báo hải quan kèm theo hồ sơ thuyết minh, báo cáo quá trình xử lý phế liệu, phế phẩm, phế thải tại công ty kèm theo hồ sơ, hợp đồng, chứng từ đi kèm khi tiêu hủy, chuyển tiêu thụ nội địa, xuất trả,…
Văn bản trình bày quy trình sản xuất, luân chuyển nguyên liệu từ khâu nhập khẩu lấy nguyên liệu đưa vào sản xuất tới khi ra thành phẩm, kèm hồ sơ tài liệu để chứng minh.

7. Bảng thống nhất mã nguyên vật liệu, sản phẩm xuất khẩu giữa các bộ phận xuất nhập khẩu, kho, kế toán của công ty (Lưu ý mã nguyên vật liệu, sản phẩm theo loại hình gia công để riêng sang bảng khác), lúc làm báo cáo quyết toán phải khớp mã danh mục và sản phẩm, bị âm dương nguyên vật liệu cũng do nguyên nhân này. 3 bộ phận quản lý mã khác nhau.

8. Chứng từ kế toán và chứng từ khác như:
– Báo cáo tài chính các năm trong giai đoạn kiểm tra: Biên bản kiểm kê hàng tồn kho cuối năm tài chính, các loại sổ kế toán, sổ quỹ, chứng từ kế toán các loại liên quan đến việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài, với khách hàng trong nước,… các loại sổ, phiếu theo dõi nhập kho- xuất kho nguyên phụ liệu, nhập kho – xuất kho thành phẩm, báo cáo xuất nhập tồn nguyên liệu, thành phẩm trong giai đoạn kiểm tra. Sổ theo dõi, chứng từ thực hiện việc mua bán, thanh toán nguyên phụ liệu cung ứng trong nước, vận chuyển nội địa,…

– Các báo cáo đệ trình kế hoạch sản xuất của từng bộ phận chuyên môn liên quan đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mua trong nước, sản phẩm xuất khẩu.
– Báo cáo xuất nhập tồn của nguyên liệu , vật tư, bán thành phẩm dở dang, sản phẩm dở dang trên chuyển thành phẩm tồn kho khi kết thúc năm tài chính và đến thời điểm kiểm tra của bộ phận kho, kế toán, đối với thành phẩm bán dở dang, sảm phẩm dở dang, thành phẩm được quy đổi về nguyên liệu vật tư ban đầu tại khâu nhập khẩu hoặc mua trong nước bằng bản giấy hoặc bản mềm.

9. Giấy chứng nhận đầu tư: Bản sao, sao y bản chính bao gồm chứng từ lần đầu và những lần thay đổi. Các loại giấy tờ về tư cách pháp nhân của công ty: Người đại diện, giấy phép đầu tư, đăng kí kinh doanh, kho bãi (Kho nguyên vật liệu, sản phẩm,. Phế liệu,…) Các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

10. Hồ sơ tài liệu khác có liên quan phát sinh trong quá trình kiểm tra khi đoàn kiểm tra yêu cầu. Sổ sách liên quan tới kế toán:
– Sổ chi tiết các tài khoản 611, 151, 152, 155, 131, 331.
– Sổ cái tài khoản liên quan 111, 112, 621, 622, 627, 154, 632.
– Sổ chi tiết tài khoản 154 theo đối tượng tập hợp chi phí
– Sổ chi tiết tài khoản theo dõi nguyên liệu, hàng hóa của thực hiện hợp đồng gia công.

(Nguồn: Mr Kha + tham khảo FINGROUP)

Kiểm tra sau thông quan là gì?

Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là quá trình nhân viên Hải quan kiểm tra tính trung thực hợp lý và độ tin cậy của các thông tin chủ hàng đã khai báo với hải quan thông qua việc kiểm tra các chứng từ thương mại hải quan, chứng từ kế toán, ngân hàng của các lô hàng đã thông quan. Những chứng từ này do các chủ thể (cá nhân/công ty) có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến thương mại quốc tế lưu giữ.

Từ định nghĩa trên đây ta có thể rút ra một số nhận xét về đặc điểm của KTSTQ :

ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

KTSTQ chỉ kiểm tra các đơn vị có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến kinh doanh XNK đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Không phân việt thành phần kinh tế, nguồn vốn sở hữu cũng không chờ đợi sự thoả thuận hoặc văn bản yêu cầu của doanh nghiệp.

a. Các chủ thể liên quan trực tiếp đến kinh doanh XNK chính là các chủ hàng XNK (doanh nghiệp và /hoặc cá nhân).

b. Các chủ thể liên quan gián tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu có thể là (nhưng không chỉ giới hạn trong các đối tượng này) :

– Các đại lý khai thuê/ môi giới hải quan : nắm giữ các chứng từ thương mại hải quan, các thông tin khác về hàng hoá và trị giá.

– Các doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác : nắm giữ các thông tin giao dịch trước khi hợp đồng thương mại và hợp đồng thương mại…

– Các doanh nghiệp kho vận ngoại thương : nắm giữ các chứng vận chuyển hàng hoá, số lượng bản chất chủng loại đơn giá, tổng trị giá hàng hoá.

– Các hãng vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu : phát hành và lưu giữ chứng từ vận chuyển, hành trình của con tàu, cước phí vận tải (để xác định trị giá hải quan và xuất xứ hàng hoá), biên bản hải sự, báo cáo tổn hại hàng hoá (để xem xét trường hợp tổn thất trị giá thương mại của hàng hoá – một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới giảm thuế thường bị lạm dụng).

– Các hãng bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu : nắm giữ các chứng từ bảo hiểm, phí bảo hiểm (một yếu tố cấu thành của trị giá hàng quan) và các chứng từ khác (Trị giá cần bảo hiểm – Insurable Value, Số tiền bảo hiểm – Amount Insued…) để xác định trị giá  hải quan, mối quan hệ thương tác về thời gian ghi trên chứng từ bảo hiểm với thời gian ghi trên các chứng từ khác có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiệp vụ xét đoán chứng từ.

– Các ngân hàng thương mại : nắm giữ các chứng từ ghi nhận số tiền thực tế đã chuyển trả cho người xuất khẩu, tiền bán hàng xuất khẩu trên thị trường nội địa để từ đó có thể phân tích tìm ra trị giá hải quan và các thông tin khác.

– Cơ quan thuế nội địa : nắm giữa các thông tin về giá bán hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa, thuế giá trị gia tăng đầu vào – đầu ra, các chi phí hợp lý của doanh nghiệp giúp cho việc phân tích xác định trị giá hải quan.

– Người mua hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa : giá thực tế đã mua hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa từ đó phân tích để tìm ra giá nhập khẩu, chủng loại xuất xứ của hàng hoá thực tế đã mua để đối soát với những thông tin này trên hồ sơ hải quan.

– Các cơ quan, tổ chức giám định hàng hóa, và…

Theo luật pháp của nhiều nước thì các đối tượng có liên quan trực tiếp đến thương mại quốc tế (người nhập khẩu/người ủy thác) là đối tượng trực tiếp của kiểm tra sau thông qua, các đối tượng khác có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ và cung cấp các thông tin cần thiết khi cơ quan Hải quan yêu cầu.

PHẠM VI KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

KTSTQ chỉ kiểm tra xét đoán các chứng từ thương mại Hải quan, các ghi chép kế toán ngân hàng (Accounting Banking Records) có liên quan đến các lô hàng đã xuất hoặc nhập khẩu. Đặc điểm này khẳng định chức năng riêng biệt chuyên ngành không thể thay thể của kiểm tra thông quan và phân biệt nó với mọi loại hình kiểm tra, kiểm toán khác.

MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

Kiểm tra việc chấp hành Luật hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như các quy định khác về xuất nhập khẩu, từ đó mà phát hiện, ngăn chặn tình trạng gian lận trốn thuế và/hoặc vi phạm Luật Hải quan, vi phạm chính sách mặt hàng.

Quá trình thực hiện một cuộc kiểm tra sau thông quan công chức Hải quan phải kiểm tra xét đoán xem doanh nghiệp có chấp hành nghiêm túc các văn bản pháp quy, các quy định mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chấp hành hay không, xét về góc độ này kiểm tra sau thông quan thuộc loại hình kiểm toán tuân thủ. Nhưng mục đích chính của kiểm tra sau thông quan là phát hiện tình trang gian lận (chủ yếu là gian lận qua giá) để trốn thuế vì vậy phải kiểm tra xét đoán sổ và chứng từ kế toán, ngân hàng tức là phải vận dụng nhiều kiến thức kiểm toán tài chính. Như vậy xét về bản chất thì kiểm tra sau thông quan thuộc loại hình kiểm toán tuân thủ – tài chính.

Cũng cần nói thêm rằng hoạt động kiểm tra sau thông quan phụ thuộc rất nhiều vào pháp luật của Nhà nước, trước hết là Luật Hải quan, Luật thuế, Luật kế toán, Luật ngân hàng… các Luật này của các nước không giống nhau. Vì vậy nội dung phương pháp và phạm vi hoạt động KTSTQ cua các nước không giống nhau.

VAI TRÒ CỦA KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

Kiểm tra sau thông quan của các nước không giống nhau về tên gọi, cơ cấu tổ chức, môi trường pháp lý, đào tạo cán bộ nghiệp vụ… Nhưng lại hoàn toàn giống nhau về chức năng cơ bản đó là phát hiện và ngăn chặn gian lận thương mại trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua việc thực hiện các kiểm tra sau thông quan.

Thông thường theo tâm lý kinh doanh khi làm thủ tục thông quan chủ hàng luôn có ý định tìm mọi cách « chế biến chứng từ » khai báo sai bản chất, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hoá… theo hướng sao cho phải nộp các loại thuế cho hải quan càng ít càng tốt. Nhưng đến khi bán hàng và nhất là khi hạch toán lỗ lãi chủ hàng buộc phải tính đúng, tính đủ, thậm chí tính chi phí đầu vào cao hơn thực tế để ” rút ngắn khoảng cách giữa giá mua và giá bán ” sao cho phải nộp các sắc thuế nội địa (thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 28%) càng ít càng tốt. Những vấn đề cần được nêu ra ở đây là :

a- Những chứng từ được cập nhật vào sổ kế toán có phải là những chứng từ mà trước đó chủ hàng đã xuất trình khai báo với Hải quan khi làm thủ tục thông quan hay không.

b- Số lượng hàng hoá ghi trong cột nhập kho hoặc tập hợp từ các phiếu xuất kho có nhất quán với các dữ liệu được khai báo trên mục số lượng hàng hoá của tờ khai hải quan hay không.

c- Chủng loại hàng hoá chủ hàng đã khai báo trên tờ khai hải quan để áp thuế suất có nhất quán với các chứng từ có liên quan khác hay không. Các chứng từ khác được hiểu là : Phiếu kiểm nghiệm, Phiếu giám định, chứng nhận xuất xứ, hoá đơn bán hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa…

d- Các khoản chi phí mà chủ hàng đã trả hoặc sẽ phải trả cho người bán (người xuất khẩu), các hãng vận tải, bảo hiểm… Có nhất quán với mục trị giá hải quan mà trước đó chủ hàng đã khai báo với hải quan không ?

e- Số thuế mà chủ hàng đã nộp là đủ hay thiếu, nếu thiếu thì thiếu bao nhiêu? Nguyên nhân thiếu thuế là do chủ hàng gian lận hay do nhân viên hải quan nhầm lẫn?

Người duy nhất có chức năng và khả năng trả lời các câu hỏi này là kiểm tra sau thông quan. Xét về bản chất thì kiểm tra sau thông quan là một công cụ mà thông qua việc sử dụng công cụ đó ngành hải quan đã nâng cao vị thế công tác và hiệu lực kiểm tra kiểm soát của mình.

Nếu trước đây phạm vi kiểm tra, kiểm soát của ngành hải quan chỉ giới hạn trong các cửa khẩu, kho ngoại quan… thì với kiểm tra sau thông quan phạm vi kiểm tra đã mở rộng ra đến doanh nghiệp chủ hàng và các bên có liên quan như: người tiêu dùng mua hàng nhập khẩu trên thị trường nội đại, cơ quan thuế, ngân hàng…

Đối tượng kiểm tra kiểm soát không chỉ là hàng hóa xuất nhập khẩu và các chứng từ thương mại hải quan mà còn bao gồm cả những chứng từ, các ghi chép ngân hàng, sổ, chứng từ và các ghi chép kế toán có liên quan.

Và sau nữa là thời gian kiểm tra không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu mà là 3 hoặc 5 năm sau ngày hoàn thành thủ tục thông quan tùy thuộc vào quy định của từng nước.

Theo thông lệ Hải quan nhiều nước thì sau khi hoàn thành thủ tục Hải quan Các chủ hàng phải lưu giữ toàn bộ các chứng từ có liên quan đến lô hàng từ 3 đến 5 năm, thời gian này gọi là thời gian có hiệu hồi tố (The time of Retroactive effect). Vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian có hiệu lực hồi tố khi cơ quan kiểm toán hải quan yêu cầu chủ hàng có nghĩa vụ phải xuất trình đầy đủ các chứng từ cần thiết để phục vụ cho các cuộc kiểm toán hải quan. Mọi khoản thuế còn thiếu (vì bất cứ lý do nào) do kiểm toán hải quan phát hiện trong thời gian có hiệu lực hồi tố thì chủ hàng đều phải truy nộp đầy đủ cho ngân sách, mọi hành vi khai báo gian lận với hải quan để trốn thuế đều bị phạt rất nặng.

Hiện nay Hải quan hầu hết các nước chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu rất ít (không quá 15%) và chủ yếu là tập trung phát hiện hàng cấm, hàng bị hạn chế nhập khẩu hoặc các lô hàng đặc biệt do cảnh sát quốc tế (Interpol) hoặc cơ quan tình báo hải quan (Customs Intelligence) phát hiện. Khâu kiểm tra thuế, giá, số lượng bản chất hàng hóa… nếu trường hợp nào xét thấy cần thiết thì chuyển sang khâu KTSTQ.

Theo kinh nghiệm thực tế của Hải quan các nước và khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới WCO thì việc duy trì và phát triển nghiệp vụ kiểm toán sẽ giúp cho ngành hải quan:

– Chống gian lận thương mại có hiệu quả toàn diện hơn mà vẫn giải phóng hàng nhanh hơn do đó góp phần tích cực hơn vào phát triển thương mại quốc tế.

– Đảm bảo cho việc chấp hành luật Hải quan, các qui định về xuất nhập khẩu và các hiệp định thương mại quốc tế nghiêm túc hơn.

– Giúp cho khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa phát triển thuận lợi và bảo vệ sản xuất trong nước tích cực hơn.

– Ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách.

– Triển khai các qui chế kiểm tra, kiểm soát hải quan tốt hơn. Quản lý tốt hơn các lĩnh vực giấy phép, hạn ngạch xuất nhập khẩu (quota) và chống bán phá giá (antidumping).

– Chấm dứt tình trạng “chỉ cần qua khỏi cửa khẩu hải quan là bình an vô sự ” vì không còn ai hỏi đến nữa. Nếu trước đây quan niệm rằng Hải quan là người gác cửa thì với KTSTQ hải quan còn là người phát hiện và ngăn chặn gian lận thương mại trong thị trường nội địa.

Có lẽ tự thân các tác dụng trên đây của KTSTQ cũng đủ giải thích tại sao Hải quan các nước rất chú trọng đến việc duy trì phát triển và nâng cao hiệu lực công tác của hệ thống KTSTQ. Cho đến nay hầu hết các nước thành viên của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đều duy trì và phát triển hệ thống KTSTQ: Hải quan Pháp có Trung tâm nghiên cứu phân tích hồ sơ (CERDOC), Australia có văn phòng kiểm toán chuyên ngành Hải quan (Customs Industrial Audit), Anh, Na uy, Irelan, Hà Lan có cơ quan kiểm toán hải quan quốc gia (Nationnal Customs Audit Office) Nhật Bản có Văn phòng kiểm toán sau thông quan ( Bureau of Post Clearance Audit)… Tên gọi của các tổ chức này không giống nhau nhưng nội dung hoạt động thì về cơ bản không có gì khác nhau vì cùng thực hiện quyền kiểm tra kiểm soát của ngành hải quan đối với mọi chứng từ có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu sau khi đã thông quan. Các tổ chức kiểm toán hải quan của các nước đều có quan hệ phối hợp trong công việc và giúp đỡ lẫn nhau trong việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ nghiệp vụ hoặc là song phương trực tiếp hoặc là thông qua Ủy ban kiểm toán sau thông quan (Post Clearance Audit Committee) của Tổ chức hải quan thế giới WCO.

So với các đồng nghiệp trong ngành hải quan thì KTSTQ là một chuyên ngành còn quá trẻ nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về nghiệp vụ cũng như tác phong sinh hoạt, ví dụ Hải quan Nhật bản quy định trong khi kiểm tra tại doanh nghiệp nhân viên KTSTQ không được hút thuốc lá, không uống bia rượu và cấm nhận quà tặng. Về biên chế đội ngũ cán bộ nghiệp vụ KTSTQ của Hải quan các nước thường chiếm từ 3% đến 5% biên chế toàn ngành và được chọn lọc, đào tạo rất chu đáo. Các yêu cầu về kiến thức và trình độ nghiệp vụ cũng rất cụ thể, nói một cách khái quát nhất thì công việc yêu cầu mỗi nhân viên KTSTQ phải có những kiến thức cơ bản sau đây:

– Các kiến thức cơ bản về kinh tế sẽ giúp cho nhân viên KTSTQ có phương pháp tư duy kinh tế và dễ dàng tiếp cận các phương pháp kiểm tra, phân tích, xét đoán các chứng từ thương mại, kế toán, ngân hàng (thuộc nghiệp vụ kiểm toán). Vì vậy cán bộ nghiệp vụ KTSTQ nên chọn những người đã tốt nghiệp đại học thuộc khối kinh tế như: Kinh tế quốc dân, Tài chính kế toán, Thương mại, ngoại thương…

– Đối tượng quản lý chủ yếu của Hải quan là hoạt động xuất nhập khẩu, vì vậy cán bộ nghiệp vụ KTSTQ cần phải nắm được các thông lệ thương mại quốc tế, các kiến thức nghiệp vụ ngoại thương cơ bản, các điều kiện và phương thức thanh toán quốc tế. Không có những kiến thức này nhân viên KTSTQ không thể kiểm tra phân tích các hồ sơ, chứng từ thương mại.

– Hầu hết hợp đồng, chứng từ thương mại, hồ sơ ngân hàng, thư từ điện tín đều sử dụng tiến Anh vì vậy cán bộ nghiệp vụ KTSTQ phải biết tiếng Anh, tối thiểu là phải đọc được chứng từ, điện tín giao dịch thương mại.

– KTSTQ đòi hỏi mỗi nhân viên của mình phải có phương pháp tư duy của người làm công tác kiểm tra trong lĩnh vực pháp luật kinh tế; Mặt khác KTSTQ là công việc của ngành hải quan nên mọi nhân viên, cán bộ KTSTQ đều phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ Hải quan để tiếp thu vận dụng các kiến thức chuyên ngành khác theo yêu cầu đặc điểm của ngành Hải quan.

Sẽ là không thực tế nếu đòi hỏi ngay một lúc mọi nhân viên, cán bộ nghiệp vụ KTSTQ phải có những kiến thức này; Nhưng sẽ là cần thiết và hữu ích nếu cán bộ nhân viên hải quan công tác trong lĩnh vực KTSTQ thấy nghiệp vụ của mình. Trong giai đoạn đầu việc triển khai hoạt động KTSTQ có thể vận dụng sự kết hợp kiến thức của một nhóm công tác, mỗi người trong nhóm biết sau về một lĩnh vực và cả nhóm có khả năng giải quyết trọn vẹn các yêu cầu thực tế đặt ra.

(Theo https://www.dncustoms.gov.vn)

Phối hợp các phòng ban khi lập và giải trình BCQT

Mục đích kiểm tra là để thẩm định tính chính xác, trung thực các khai báo hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu thông qua việc kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, dữ liệu kế toán, chứng từ hải quan, dữ liệu thương mại, hồ sơ kỹ thuật, quy trình sản xuất, thực tế hàng tồn kho tại doanh nghiệp…

Nguyên tắc phối hợp các phòng ban

Để lập đúng báo cáo quyết toán (theo mã Nguyên phụ liệu, mã thành phẩm đã khai báo trên tờ khai hải quan nhưng dựa trên số liệu thực tế phát sinh tại doanh nghiệp) cần phải có sự phối kết hợp của bộ phận kế toán, bộ phận kho và bộ phận xuất nhập khẩu.

Để lập đúng báo cáo định mức thực tế của sản phẩm xuất khẩu cũng cần phải có sự phối kết hợp giữa bộ phận kế toán, bộ phận sản xuất, bộ phận kỹ thuật và bộ phận xuất nhập khẩu. Bởi lẽ, bên cạnh việc doanh nghiệp phải minh chứng cho mục đích sử dụng của nguyên phụ liệu nhập khẩu, doanh nghiệp còn phải mình chứng cho lượng phế liệu được xử lý thông qua tỷ lệ hao hụt.

Để giải trình báo cáo quyết toán và minh chứng cho mục đích sử dụng của nguyên phụ liệu được miễn thuế, cần thiết phải có sự tham gia giải trình của bộ phận kế toán, bộ phận kỹ thuật, bộ phận kho, bộ phận xuất nhập khẩu.

Khi lập BCQT và giải trình số liệu trong kiểm tra báo cáo quyết toán, doanh nghiệp cần có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với các bộ phận: kế toán, kho, kỹ thuật, xuất nhập khẩu. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, chứng từ, dữ liệu, sổ sách cho việc giải trình khi kiểm tra báo cáo quyết toán.

Lời kết

Suy cho đến cùng: bài toán về lập và giải trình BCQT phải là bài toán của người đứng đầu doanh nghiệp trong quản trị dữ liệu xuất nhập khẩu giữa các bộ phận: kế hoạch, mua hàng, sản xuất, kế toán, xuất nhập khẩu, kho. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Đừng đặt hết gánh nặng lên vai Bộ phận xuất nhập khẩu trong việc giải trình số liệu của BCQT.

Xem thêm: Dịch vụ lập và giải trình báo cáo quyết toán.