Chiếm hơn 10% trên tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
Tỷ lệ kim ngạch quá lớn
Đánh giá về tình hình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, năm 2020 hoạt động gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu phát sinh tại hầu hết các địa bàn cả nước với 10.416 doanh nghiệp (tăng 1,62% so với năm 2019), chiếm 10,97% trên tổng số 94.913 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (tăng 1,73% so với năm 2019), trong đó có 1.624 doanh nghiệp chế xuất so với 1.570 doanh nghiệp năm 2019, tăng 3,44%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành yêu cầu phần mềm này trước hết phải phục vụ việc quản lý của DN, hỗ trợ DN quản lý nguyên liệu và thành phẩm, đây là điều cốt lõi. Dự án này thành công sẽ phục vụ cho đất nước, cho DN và trước mắt là sẽ giúp thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư, đồng thời nhấn mạnh, quan điểm chung trong xây dựng hệ thống phần mềm này là phải hiện đại, không được lạc hậu so với bất kỳ môi trường quản lý nào trong thời điểm hiện tại, cả ở góc độ quản lý cũng như kỹ thuật. |
Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đạt 141,52 tỷ USD. So với năm 2019, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất năm 2020 đã giảm từ 57,18% xuống 55,81% (năm 2019 là 171,83 tỷ USD/300,53 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu). Kim ngạch xuất khẩu gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đạt 215,20 tỷ USD/274,80 tỷ USD, đạt 78,31%, giữ tỷ lệ tương đương với mức 78,5% năm 2019.
Lượng tờ khai xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cũng chiếm tỉ lệ lớn trong năm qua. Tổng số tờ khai nhập khẩu gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), chế xuất đạt hơn 3,33 triệu tờ khai, chiếm 52,99% trên tổng lượng tờ khai nhập khẩu (6,30 triệu tờ khai), giảm nhẹ so với tỷ lệ 53,53% của năm 2019 (3,38 triệu tờ khai/ tổng số 6,32 triệu tờ khai). Tổng số tờ khai xuất khẩu gia công, SXXK, chế xuất đạt hơn 4,46 triệu tờ khai, chiếm 67,32% trên tổng lượng tờ khai xuất khẩu (6,62 triệu tờ khai), giảm so với tỷ lệ 69,18% của năm 2019 (4,53 triệu tờ khai/ tổng số 6,55 triệu tờ khai).
Số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020 giảm so với năm 2019 được đánh giá là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn đối với nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra do các khách hàng hủy đơn hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên xét về bình diện chung gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất là loại hình chiếm tỉ lệ vượt trội cả về số lượng doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng tờ khai làm thủ tục hải quan.
Kết nối trao đổi thông tin trực tuyến để quản lý
Công tác quản lý cần có bước đột phá nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời vẫn đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhằm tạo bước đột phá về cải cách trong công tác theo dõi, quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất và mang lại lợi ích cho hơn hàng nghìn doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, Tổng cục Hải quan đã triển khai Đề án thử nghiệm kết nối trao đổi về hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc thiết bị của doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất.
Với mục tiêu dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp được chia sẻ trực tiếp với cơ quan Hải quan ngay khi phát sinh tại doanh nghiệp; hệ thống công nghệ thông tin sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), để phân tích, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và dự báo chính xác các rủi ro có thể xảy ra; đi tắt đón đầu trong cải cách mô hình hoạt động theo mô hình hải quan hiện đại, hệ thống xử lý dữ liệu tập trung… Phương thức quản lý này sẽ thay thế thủ tục quyết toán hiện nay.
Hiện Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc ký Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tổng cục Hải quan với Công ty TNHH Intel Việt Nam, SAP ASIA PTE LTD về hợp tác trong thử nghiệm trao đổi thông tin. Qua đó các bên thống nhất sẽ nỗ lực phù hợp và thiện chí để hợp tác xây dựng giải pháp tổng thể cho việc trao đổi thông tin về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, chế xuất đáp ứng các yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan và để hỗ trợ ba nhóm doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu kinh doanh khác nhau. Việc triển khai giải pháp tổng thể được thực hiện qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Thử nghiệm; Giai đoạn 2: Thí điểm; Giai đoạn 3: Triển khai mở rộng.
Tại cuộc họp mới đây nhất của Tổng cục Hải quan với đại diện Công ty TNHH Intel Việt Nam và Công ty SAP Việt Nam, tiến độ Dự án thử nghiệm trao đổi thông tin hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đã được các đơn vị cập nhật, bao gồm tiến trình dự án, các nội dung cơ bản trong thiết kế giải pháp tổng thể, các tình huống nghiệp vụ áp dụng trong việc thử nghiệm và mô tả giải pháp trên hệ thống đã được cập nhật.
(Theo Tạp chí hải quan)