(HQ Online) – Chia sẻ với Tạp chí Hải quan, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Hải quan, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, việc Bộ Tài chính liên tục sửa đổi, cập nhật các quy định liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là nhằm bám sát các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã kí kết, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Thưa bà, hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Bà đánh giá như thế nào về vai trò và ý nghĩa của Biểu thuế này?
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (khoản 1 Điều 11) quy định Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu bao gồm thông tin cụ thể như: danh mục hàng hóa được chi tiết theo mã HS 08 chữ số, mô tả hàng hóa, mức thuế suất và điều kiện được áp dụng mức thuế suất ưu đãi…
Những thông tin chi tiết được ban hành trong Nghị định hướng dẫn doanh nghiệp đang có hoạt động XNK hiểu rõ hơn đối tượng được áp dụng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi và thủ tục cần thiết doanh nghiệp cần thực hiện để được áp dụng mức thuế suất ưu đãi này, qua đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã kí kết.
Từ đó thấy rõ hơn được việc đảm bảo tuân thủ và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay các FTA.
Với dự thảo Nghị định về Biểu thuế mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, việc đưa ra mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cụ thể với từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu được chi tiết theo mã HS 08 chữ số và mô tả của hàng hoá sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan Hải quan trong việc thống nhất thực hiện khi làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Nghị định này.
Qua đó, góp phần gia tăng giá trị kim ngạch XNK trong thời gian tới đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.
Ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp kinh doanh những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi có biểu thuế ưu đãi với thông tin cụ thể sẽ có thể tính toán được chính xác chi phí thuế với từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cũng như những điều kiện cần đáp ứng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tài chính, kế hoạch dòng tiền, chiến lược kinh doanh cụ thể, chính xác và hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải.
Đối với những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa có thuế xuất khẩu ưu đãi, các quy định trong dự thảo Nghị định sẽ góp phần khuyến khích sản xuất, tăng nguồn thu ngoại tệ đối với hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều lợi thuế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; đồng thời hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, giảm xuất khẩu hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp.
Đứng trên góc độ quản lý nhà nước, việc ban hành Nghị định sửa đổi là thực hiện theo đúng lộ trình khi Việt Nam kí kết các FTA cũng như các cam kết quốc tế. Việc này góp phần làm minh bạch hoá thông tin, giúp hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin một cách rõ ràng.
Theo tôi, việc thực hiện nội luật hóa văn bản quốc gia để phù hợp với cam kết quốc tế là tất yếu khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi được sửa đổi một cách kịp thời, theo sát lộ trình triển khai các FTA đã được kí kết, tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bởi vì, theo xu hướng tự do hóa thương mại hiện nay, các dòng thuế quan ngày càng giảm đi, nếu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thay đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi muộn hơn so với lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt thòi, không được hưởng sớm mức thuế suất giảm này.
Với dự thảo Nghị định về Biểu thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, theo bà, các quy định trong đó đã hợp lý chưa?
Việc sửa đổi Biểu thuế được thực hiện kịp thời và bám sát các yêu cầu về lộ trình cắt giảm thuế quan tại các FTA là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đến nay đã qua 4 lần sửa đổi, nhiều nội dung đã có sự thay đổi, bổ sung đáng kể so với Nghị định gốc (Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP; Nghị định số 101/2021/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định số 51/2022/NĐ-CP).
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc phân loại, áp mã hàng hóa thì cần thiết ban hành một Nghị định mới về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để thay thế 5 Nghị định có liên quan được ban hành từ năm 2016 đến nay, qua đó, đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí hành chính cho cơ quan hải quan và người nộp thuế.
Đồng thời, một số nội dung liên quan đến câu chữ thể hiện trong các Nghị định này cũng cần được rà soát để đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Kỳ vọng của bà như thế nào về dự thảo Nghị định về Biểu thuế khi chính thức được ban hành?
Tôi mong muốn sau khi Nghị định được ban hành, tất cả các thông tin tại đây được công bố công khai, rộng rãi. Và quan trọng nhất là cần có công cụ phần mềm đi kèm để có thể dễ dàng tra cứu thay vì phụ thuộc vào các văn bản giấy. Việc tra cứu thông tin dễ dàng, chính xác sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, đồng thời thực hiện đúng những điều kiện về ưu đãi thuế suất và nhanh chóng được hưởng lợi từ thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi; cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra hải quan đối với những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/sua-bieu-thue-xuat-khau-bieu-thue-nhap-khau-uu-dai-bam-sat-lo-trinh-cac-cam-ket-quoc-te-168828.html